Mục đích của Kế hoạch
nhằm khống chế được một số loại dịch bệnh nguy hiểm đối với động vật như: Cúm
gia cầm thể độc lực cao, lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh ở heo, dịch tả
heo Châu phi, bệnh dại ở động vật, gan thận mủ ở cá tra và một số bệnh khác nhằm
bảo đảm cho sản xuất chăm nuôi phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ sức khỏe
Nhân dân và góp phần phát triển kinh tế của Tỉnh. Đồng thời, nâng cao nhận thức
của người dân, toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia
cầm và thủy sản.
Theo đó, Kế hoạch được
triển khai thực hiện với 5 nội dung chính, cụ thể: Một là tập trung cho công
tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về
chăn nuôi, thú y và thủy sản; cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi về
phòng, chống dịch bệnh; tuyên truyền sâu rộng, trọng điểm về công tác tiêm
phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các biện pháp
chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa lây nhiễm từ động vật sang động vật, từ
động vật sang người.

Các địa phương đang rà soát tiêm phòng cúm gia cầm, kết hợp khuyến
cáo người dân chủ động phòng bệnh vật nuôi lúc giao mùa.
Hai là công tác phòng,
chống dịch bệnh với việc thực hiện các biện pháp tiêm phòng, giám sát sau tiêm
phòng cho gia súc, gia cầm; công tác tiêu độc khử trùng được thực hiện dự kiến
2 lần/năm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đợt đột
xuất theo chỉ đạo của Tỉnh. Có biện pháp xử lý đối với các cơ sở không chấp
hành việc tiêu độc, khử trùng theo quy định. Tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm
dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; khống chế và tiến tới
loại trừ bệnh dại; tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi
xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.
Ba là tổ chức đôn đốc,
kiểm tra các hoạt động có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên
gia súc, gia cầm và thủy sản; giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kịp thời chấn
chỉnh những sai sót trong quá trình chỉ đạo, điều hành; định kỳ kiểm tra các cơ
sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn Tỉnh theo hướng dẫn của
Trung ương; đồng thời, xử ý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Bốn là có kế hoạch bồi
dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho hệ thống thú y về giám sát, xác minh dịch
bệnh, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch.
Năm là công tác ứng phó
khi có dịch bệnh xảy ra, tùy theo từng bệnh cụ thể và mức độ lây lan, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch chống dịch bệnh động vật theo quy định
hiện hành.
Đồng thời, để tổ chức
thực hiện tốt Kế hoạch đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các
sở, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tập trung triển
khai thực hiện trong năm 2021. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chịu trách nhiệm chính, chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn khác trong
việc tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên phạm vi toàn Tỉnh; lập dự
toán, phân phối kịp thời, đúng quy định các nguồn kinh phí phòng, chống dịch được
cấp. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, sự lưu
hành của vi rút gây bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản; huy động lực lượng, tổ
chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; phối hợp với các
cơ quan truyền thông tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia
súc, gia cầm và thủy sản; tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản
phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh, tiêu độc, khử
trùng môi trường theo đúng quy định,…